Theo đó, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam từ trước tới nay luôn chú trọng phát triển ngành điện lực, luôn chủ trương điện phải đi trước một bước, làm nguồn động lực cho phát triển kinh tế − xã hội, cải thiện đời sống nhân dân và nâng cao tiềm lực an ninh quốc phòng.
Nhiệm vụ cấp bách và có tính thời sự cao
Trong Nghị quyết số 13/NQ-TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, ngày 16/01/2012 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 đã nêu: “Về hạ tầng cung cấp điện, bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đi đôi với tiết kiệm, giảm tiêu hao điện năng”.
Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đánh giá việc phát triển ngành năng lượng nói chung và phân ngành điện nói riêng như sau: “Cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện;…. Đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp điện có sự phát triển mạnh mẽ, là điều kiện quan trọng cho việc bảo đảm an ninh cung ứng điện. Đưa điện lưới quốc gia tới hầu hết mọi miền của đất nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo”.
Ngày 18/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 428/QĐ–TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030. Trải qua hơn 4 năm thực hiện, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành điện về cơ bản đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và an ninh, quốc phòng của đất nước.
Thời điểm hiện tại, đã có nhiều biến động lớn trong phát triển điện lực: Quốc hội đã quyết định dừng thực hiện nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ – TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, và Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, tạo ra sự bùng nổ đầu tư của các dự án điện mặt trời, điện gió (chủ yếu do các nhà đầu tư tư nhân thực hiện – là điểm mới so với trước đây khi hầu hết các dự án, công trình điện đều do các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đầu tư); sự chậm trễ và khó khăn trong đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện (đặc biệt là các nhà máy điện truyền thống); sự phát triển của công nghệ trong sản xuất và truyền tải điện (đặc biệt là công nghệ điện mặt trời, điện gió), dẫn tới khả năng giảm sâu giá thành sản xuất của loại hình nguồn điện này; sự xuất hiện của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 có ảnh hưởng to lớn tới quá trình sản xuất, truyền tải và phân phối điện… Những biến động này có tác động lớn tới tình hình phát triển điện lực của Việt Nam, vì vậy việc lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) là nhiệm vụ cấp bách và có tính thời sự cao.
Trong tương lai, sự phát triển của ngành điện Việt Nam sẽ ngày càng gặp nhiều thách thức lớn hơn trong việc thoả mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân. Có thể nêu ra một số thách thức lớn đối với ngành điện như sau: Nhu cầu điện đang và còn tiếp tục tăng trưởng cao; nguồn năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt và khả năng cung cấp nguồn năng lượng sơ cấp hạn chế, dẫn đến sớm phải nhập khẩu nhiên liệu; xây dựng nhiều nguồn điện không theo sát quy hoạch, phân bố trên vùng miền mất cân đối dẫn đến tăng thêm lượng điện truyền tải lãng phí, tổn thất truyền tải còn cao; sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời dẫn tới những khó khăn nhất định trong vận hành hệ thống điện, các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn về bảo vệ môi trường trong hoạt động điện lực……
Để vượt qua các khó khăn, thách thức, đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước, cần thiết phải xây dựng Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Quy hoạch sẽ định hướng được tương lai phát triển của ngành điện; định lượng các giá trị mục tiêu cung cấp điện; xác định quy mô, tiến độ và phân bổ không gian của các công trình nguồn điện, lưới điện và đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch.
Hướng tới mục tiêu đáp ứng đầy đủ điện năng trong mọi tình huống cho nhu cầu phát triển
Quy hoạch điện VIII gồm 19 chương, bao trùm các vấn đề trong phát triển của ngành điện trong hiện tại và tương lai. Quy hoạch điện VIII đã tập trung vào tính toán, phân tích, đánh giá sự phát triển của ngành điện lực trong kỳ quy hoạch trước, chỉ các tồn tại và bài học kinh nghiệm; tính toán, phân tích khả năng phát triển kinh tế xã hội và dự báo phụ tải điện; tính toán khả năng sử dụng năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện; tính toán chương trình phát triển nguồn điện, lưới điện; tính toán vốn đầu tư và phân tích kinh tế của chương trình phát triển điện lực; đề xuất các giải pháp và cơ chế để thực hiện quy hoạch.
Báo cáo đánh giá Môi trường chiến lược của QHĐ VIII cũng được lập song song và tương tác chặt chẽ với quá trình lập quy hoạch điện lực. Quy hoạch điện VIII được thực hiện trong bối cảnh một số quy hoạch nền tảng của quốc gia quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017 chưa được lập như: Quy hoạch tổng thể quốc gia; Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia… , nên có một số yếu tố bất định gây khó khăn trong quá trình dự báo.
Để đảm bảo chuẩn xác trong công tác dự báo, Viện Năng lượng đã phối hợp cùng với Viện Chiến lược Phát triển của Bộ Kế hoạch Đầu tư trong công tác dự báo phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và dự báo phụ tải điện.
Trong Quy hoạch điện VIII, dự báo nhu cầu tiêu thụ điện đã tính toán, phân tích, đánh giá đến các yếu tố tác động đến nhu cầu sử dụng điện như: khả năng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong tương lai; khả năng thâm nhập của các phương tiện giao thông sử dụng điện năng; tác động của các chương trình Quản lý nhu cầu điện và Điều chỉnh phụ tải… Dự báo nhu cầu tiêu thụ điện đã cập nhật, đánh giá tác động của dịch COVID 19 tới tốc độ tăng trưởng kinh tế và qua đó đến nhu cầu sử dụng điện. Với sự cộng tác của Viện Chiến lược Phát triển và ứng dụng những phương pháp dự báo tiên tiến trên thế giới như mô hình TIMES, phương pháp Đa hồi quy, nhiệm vụ dự báo nhu cầu tiêu thụ điện đã được thực hiện khoa học và chuẩn xác.
Chương trình phát triển nguồn điện của Quy hoạch Điện VIII được thực hiện theo hàm mục tiêu cực tiểu hóa chi phí sản xuất điện, có xét tới các ràng buộc về truyền tải, về cung cấp nhiên liệu sơ cấp, về phân bố tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời), về khả năng liên kết hệ thống điện với các nước láng giềng. Các công cụ tính toán nổi tiếng trên thế giới như mô hình quy hoạch Balmorel, mô hình quy hoạch Plexos đã được Cục Năng lượng Đan Mạch, tổ chức Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ thông qua Cục Điện lực và Năng lượng, Bộ Công Thương tái tạo trang bị cho Viện Năng lượng để tính toán cho Quy hoạch Điện VIII. Có 11 kịch bản đã được đưa vào tính toán, xem xét, phân tích để lựa chọn kịch bản tối ưu trong phát triển nguồn điện. Kịch bản phát triển nguồn điện tối ưu đã thỏa mãn các tiêu chí cơ bản: (i) đảm bảo an ninh cung cấp điện; (ii) đáp ứng được các cam kết của Việt Nam đối với Quốc tế trong giảm ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất điện; (iii) có chi phí sản xuất điện thấp, hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện. Chương trình phát triển lưới điện truyền tải của Quy hoạch Điện được thiết kế để đảm bảo truyền tải an toàn, liên tục công suất của các nhà máy điện tới trung tâm phụ tải. Hệ thống truyền tải điện 500kV vẫn tiếp tục được xây dựng để truyền tải điện từ các trung tâm nguồn điện lớn tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ về các trung tâm phụ tải lớn của Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh và đồng bằng Sông Hồng. Vấn đề truyền tải điện bằng đường dây một chiều cũng đã được đặt ra và nghiên cứu, xem xét trong Quy hoạch Điện. Với chương trình phát triển này, lưới điện của Việt Nam đáp ứng được tiêu chí N-1 đối với cung cấp điện cho các phụ tải, tiêu chí N-2 đối với các phụ tải đặc biệt quan trọng. Việc áp dụng lưới điện thông minh, áp dụng công nghệ 4.0 trong truyền tải điện cũng được nghiên cứu, tính toán và đề xuất trong Quy hoạch điện VIII.
Với chương trình phát triển điện lực như trên, hàng năm Việt Nam cần đầu tư cho ngành điện khoảng 13 tỷ USD/ năm trong giai đoạn 2021 – 2030 và trên 12 tỷ USD/ năm trong giai đoạn 2031 – 2045. Để thực hiện, Quy hoạch điện VIII đã đề xuất các giải pháp, cơ chế thực hiện quy hoạch như: đề xuất sửa đổi Luật Điện lực theo hướng linh hoạt hơn đối với yêu cầu đầu tư các công trình điện, đảm bảo thu hút mọi nguồn lực xã hội trong phát triển ngành điện; đề xuất cơ chế xây dựng Kế hoạch phát triển Điện lực trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; đề xuất cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện; đề xuất cơ chế xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải… Các đề xuất này sẽ từng bước được nghiên cứu, hoàn thiện để đảm bảo thực hiện xây dựng, quản lý và vận hành các công trình điện theo đúng quy hoạch, đặc biệt trong bối cảnh đầu tư từ các nguồn vốn tư nhân, nguồn vốn nước ngoài chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng vốn đầu tư phát triển điện lực.
Quy hoạch điện VIII đã nghiên cứu, xây dựng chương trình phát triển điện lực Quốc gia với mục tiêu đáp ứng đầy đủ điện năng trong mọi tình huống cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước. Quy hoạch điện VIII sẽ là cơ sở tài liệu để các cơ quan quản lý nhà nước, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, các tổ chức và cá nhân liên quan nghiên cứu, phối hợp triển khai để phát triển ngành điện lực Việt Nam.
Trích dẫn: Bộ Công thương Việt Nam (https://moit.gov.vn/)